Đây là nội dung quan trọng của dự án nhằm giúp người dân sử dụng hiệu quả và bền vững phụ phẩm lúa gạo, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường thông qua các công nghệ năng lượng tái tạo.
Các đại biểu tham gia hội thảo quy trình ép củi trấu bằng máy sẽ được tham khảo những mô hình sản xuất mới về tái chế năng lượng từ những phế phẩm nông nghiệp giúp ích cho môi trường và kinh tế địa phương bao gồm: xây dựng mô hình máy cuốn rơm thực hiện tại Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh với công suất cuốn 200 tấn rơm/vụ; mô hình máy ép củi trấu tại cơ sở xay xát của bà Trần Thị Chuynh ở thôn Tả Phan, xã Duy Ninh với công suất 300 tấn củi trấu/năm; mô hình sấy lúa vỉ ngang dùng trấu tại HTX Thống Nhất, xã An Ninh, với công suất 150 tấn lúa/vụ; xây dựng 8 cửa hàng phân phối bếp khí hóa tại 8 xã tham gia dự án, với mục tiêu cung cấp 400 bếp khí hóa cho người dân.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã được ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phi (Bà Rịa -Vũng Tàu) giới thiệu về sản phẩm máy ép củi trấu do Công ty sản xuất. Đây là sản phẩm đạt giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IV (2010-2011) do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Trên cơ sở hoạt động của hợp phần Năng lượng tái tạo, Dự án đã hỗ trợ cơ sở xay xát của bà Trần Thị Chuynh ở thôn Tả Phan, xã Duy Ninh 2 máy ép củi trấu, với mức hỗ trợ 45% chi phí thiết bị, tương đương 65 triệu đồng. Theo hạch toán tài chính bước đầu, với nguồn trấu nguyên liệu từ nguồn xay xát của cơ sở ổn định từ 1-1,5 tấn/ngày, đồng thời có 3 cơ sở xay xát lớn trong xã cung cấp lượng trấu ổn định khoảng 1 tấn/ngày, cơ sở có thể sản xuất được gần 2 tấn củi trấu. Với giá bán gần 1.500 đồng/kg, trừ chi phí, cơ sở thu lãi 420.000 đồng/ngày, mỗi tháng lãi trên 10 triệu đồng.
Việc giới thiệu mô hình máy ép củi trấu giá rẻ tại địa phương sẽ giúp cho bà con nông dân thấy được hiệu quả của việc chuyển vỏ trấu thành nguồn năng lượng mới không chỉ nâng cao giá trị của sản xuất lúa gạo mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc xả thải tự do hoặc đốt trấu gây ra…