Kỹ sư Nguyễn Hữu Phong - GĐ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An đưa PV VietNamNet tới chiếc máy ép củi trấu. Máy ép củi trấu sơn màu xanh môi trường được sản xuất tại Gò Công (Tiền Giang) mà trung tâm mới mua về hơn tháng nay. Giá máy ép củi trấu 15 triệu đồng, cùng động cơ điện 3 pha 15 HP giá 5 triệu đồng. Máy ép củi trấu có công suất 70-80 kg củi/giờ, tiêu thụ điện 6-7 KW/h. Cứ 1,05 kg trấu thì cho ra 1 kg củi trấu. Chỉ cần cho trấu vô họng máy, qua bộ phận ép thì máy “nhả” ra những thanh củi bốc hơi nóng hổi.
Theo một số nghiên cứu, trấu thường chiếm khoảng 20% hạt lúa. Vựa lúa ĐBSCL mỗi năm sản xuất khoảng 18 triệu tấn lúa, tính ra, lượng trấu thải ra ở ĐBSCL là... 3,6 triệu tấn/năm!.
Hôm chúng tôi đến tình cờ gặp kỹ sư Lê Văn Phải - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang, anh vui vẻ nói: “Tôi đã xem truyền hình về củi trấu, hôm nay tôi muốn tìm hiểu rõ hơn để về phổ biến cho bà con. Mai này tôi sẽ trình bày với Huyện để đưa bà con đến tham quan, học tập. Bà con quê tôi rất quan tâm theo dõi qui trình sản xuất và sử dụng củi trấu”
Hết ô nhiễm, lại tiết kiệm
Kỹ sư Nguyễn Hữu Phong cho biết, từ khi đi vào hoạt động tới nay, đã có nhiều người từ Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ tìm đến mua củi trấu về sấy bột khoai mì. Ông Nguyễn Văn Trường (xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chủ cơ sở xây xát lúa gạo thì cho rằng máy ép trấu rất tiện và ít khói nhưng giá thành 1 kg củi trấu 1.000 đ là cao.
Ông Trường đề nghị từ nay ông sẽ cung ứng trấu từ nhà máy xay xát , chuyển về trung tâm với giá thành 200 đ/kg, cộng tiền điện và tiền công lao động giá bán củi trấu hạ xuống còn khoảng 500/kg củi trấu để bà con dễ mua sử dụng.
Kỹ sư Phong cho biết: “Củi trấu là đề tài nghiên cứu bước đầu, giá cũng chỉ tính khảo nghiệm. Trung tâm sẽ chuyển giao công nghệ này đến các hộ nông dân có nhu cầu. Điều quan trọng là sẽ khuyến khích các nhà máy xay xát mua máy về ép củi, vừa giải quyết trấu chất cao như núi vừa kiếm thêm lợi nhuận từ củi trấu”.
ThS. Phạm Thị Vân, Khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ, nói cho chúng tôi biết: “Giá các loại nhiên liệu: ga, dầu lửa... đang tăng cao; củi thì ngày càng khó tìm... Vì vậy, sử dụng trấu để sản xuất thành củi trấu là giải pháp vừa kinh tế vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường”.
Theo ước tính của dự án, nếu giá trấu nguyên liệu đầu vào khoảng 100 đồng/kg thì giá sản xuất 1kg than củi trấu là 250- 300 đồng. Thị trường có thể chấp nhận giá bán 500 đồng/kg than củi trấu vì chi phí bằng so với nấu củi và rẻ hơn so với nấu than đá. Khi đó giá thành củi trấu sẽ hạ xuống nhiều. Và củi trấu sẽ đến những thị trấn hoặc thị xã, giúp người dân tiết kiệm ngân sách chi tiêu gia đình, quan trọng nhất là giảm độc hại đối với các hộ vốn thường xuyên sử dụng than đá khi họ dùng củi trấu.
Theo chị Nguyễn Thị Mai, một người thử nghiệm củi trấu ở xã Hòa An cho biết: Với gia đình có bốn người, thì mỗi ngày nấu ăn khoảng 2 đến 2,5kg củi trấu là đủ. Như vậy mỗi tháng phải cần 60kg đến 70kg củi trấu. Giá mỗi kg 1.000 đồng, tính ra khoảng 60.000 đồng đến 70.000 đồng là đủ. So với nấu bếp gas nó rẻ gần bằng phân nửa. Vì sử dụng bếp gas, với gia đình bốn nhân khẩu phải sử dụng bình 12kg, giá hiện nay giá khoảng 260.000 đồng/ bình, thế nhưng dùng bếp gas chỉ nấu được gần hai tháng là hết gas.
Bên cạnh giá thành hạ so với ga, củi trấu cũng có hạn chế là dùng cui trau nếu phát triển sẽ phổ biến ở nông thôn, vì nó cần phải có chỗ để củi, cần có bếp lò, cần nơi thải tro, vì thế nó khó tiến vào đô thị được mà có thể chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng ven các khu dân cư gần đô thị…nếu trong tương lai nó tiếp tục cải tiến công nghệ và giảm giá thành còn khoảng 500 đồng như các kỹ sư thực hiện công trình đang phấn đấu.
Được biết ngoài trấu, lục bình cũng là một loại rác thải đang được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An thử nghiệm ép thành củi.
Theo VietNamNet