Latest Posts
Cũng như bao nhiêu tỉnh Miền tây Nam bộ khác, Hậu Giang là một tỉnh thiên về nông nghiệp, do vậy nạn trấu ứ đọng tại các nhà máy xay xát đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Đa dạng sinh học Hòa An (xã Hòa An, Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã nghiên cứu và sản xuất thành công củi trấu góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên. Củi trấu được làm ra bởi một chiếc máy ép chạy bằng điện ba pha. Trấu đổ vào phễu hứng phía trên, máy sẽ ép và đùn ra phía dưới những thanh củi tròn dài đến 1 mét.

Thanh củi có đường kính 7,5 cm, hình vành khuyên với lỗ tròn ở giữa để dễ cháy. Khoảng 20 cm củi trấu nặng 1 kg và với 1 kg có thể nấu được bữa ăn cho 4 người. Công suất của máy 70-80 kg củi trấu/giờ và điện tiêu thụ 6-7 KW/h. 1,05 kg trấu làm ra 1 kg củi trấu.

hau-giang-san-xuat-thanh-cong-cui-trau

Sử dụng củi trấu như những loại củi thông thường khác, củi trấu cũng sử dụng được với nhiều loại bế, lò. Khi đun nấu, cũng có thể chặt ra thành nhiều khúc hoặc chẻ nhỏ. Ưu điểm của củi trấu là rất dễ cháy, ít khói và toả mùi thơm… mùi đượm hơn đốt trấu.

Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Đa dạng sinh học Hòa An của trường Đại học Cần thơ, ra đời ngày 8/8/2008 và mới sản xuất củi trấu nhưng đã có nhiều người tìm mua. Chủ yếu là chủ các lò sấy nông sản thực phẩm. Một chủ lò sấy bột ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã mua 5-6 tấn/ngày.

hau-giang-san-xuat-thanh-cong-cui-trau

Giá bán củi trấu hiện còn cao, 1.000 đ/kg, trong đó giá thành vận chuyển 1 kg trấu từ nhà máy xay xát lúa về Trung tâm đã mất 200 đồng. Các kỹ sư của Trung tâm giải thích, giá thành sẽ hạ nhiều nếu sản xuất số lượng lớn.

Đặc biệt, mục tiêu của việc nghiên cứu là chuyển giao cho các nhà máy xay xát lúa hiện đang đau đầu với những đống trấu cao như núi, nếu thực hiện được thì sản phẩm củi trấu sẽ đủ sức cạnh tranh với các chất đốt khác.
Là vựa lúa lớn nhất cả nước, nạn trấu thừa gây ô nhiễm môi trường làm đau đầu các nhà quản lý môi trường Đồng bằng sông Cửu Long bao nhiêu năm. Nay, nhờ việc nghiên cứu sản xuất thành công củi trấu việc phải thuê ghe đi đổ trấu và ô nhiễm môi trường đã giảm đi được đáng kể mà lại tạo thêm thu nhập cho người nông dân.

Lượng trấu thải ra sau khi xay chiếm khoảng 20% tổng trọng lượng, tính như vậy thì mỗi năm khu vực Đồng bằng sông Cửu long mỗi năm thải ra từ 3-4 triệu tấn trấu. Nguồn trấu này do không được sử dụng hết nên người dân đem đi đốt hoặc đổ xuống sông nên gây ô nhiễm môi trường nặng.

Giúp giảm bớt 50% chi phí

Ông Nguyễn Văn Chiều, một người sản xuất củi trấu tại Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, chi phí đầu tư máy móc để một hộ dân có thể tự sản xuất củi trấu chỉ khoảng 20 triệu đồng, công suất khoảng hai tấn củi mỗi ngày. Hiện nay, trấu tại một số nơi tại Tiền Giang bán với giá chỉ 50 – 200 đồng một kg. Nếu đi xa hơn về Hậu Giang, Vĩnh Long… có gom trấu miễn phí, vì người dân ở những vùng này vẫn phải trả tiền thuê ghe chở dổ xuống sông. Trong khi củi trấu sản xuất ra bán trong nước với giá 800 – 1.000 đồng một kg, còn xuất khẩu khoảng 1.700 đồng.

Ban đầu, nhiều người không nghĩ rằng trấu có thể sản xuất thành củi. Đến khi sản xuất thành công, họ lại cho rằng củi trấu khó có thể cạnh tranh với các chất liệu đốt như dầu, gas, than… Thế nhưng, thực tế đã kiểm chứng củi trấu nhanh chóng giảm áp lực về sử dụng các chất đốt tại nhiều ngành nghề như sản xuất thức ăn chăn nuôi, gốm…

Thay than bằng giá củi trấu, công nhân tại các doanh nghiệp chỉ mất thêm ít thời gian đưa củi vào lò nhưng bù lại đảm bảo về sức khỏe. Hơn nữa, nếu sử dụng than đá để đốt với giá trung bình khoảng 4.000 đồng một kg, nhiệt lượng 1 kg than sẽ tương đương với khoảng 1,5 kg củi trấu (khoảng 1.400 đồng). Như vậy, nếu dùng củi trấu, các cơ sở sản xuất có thể tiết kiệm hơn 50% chi phí. Mỗi doanh nghiệp trung bình dùng 20 tấn than mỗi ngày, nếu chuyển sang dùng củi trấu sẽ tiết kiệm được ít nhất một tỷ đồng.

Sản xuất củi trấu không kịp bán


Gần đây, củi trấu còn tìm được đường xuất ngoại. Điển hình là Công ty TNHH Mai Hân (thành phố Cần Thơ) đã xuất 20 tấn củi trấu sang Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản. Riêng thị trường Hàn Quốc, dự kiến mỗi tháng sản lượng trấu viên xuất khẩu sẽ tăng lên 10.000 tấn và 20.000 tấn trấu thanh. Đồng thời công ty đang hoàn thành thủ tục cuối cùng để xuất 18 tấn củi trấu đầu tiên sang thị trường Mỹ.

cui-trau-va-con-duong-xuat-ngoai-rong-mo


Củi trấu xuất khẩu


Sở dĩ doanh nghiệp nước ngoài nhập củi trấu ngày một nhiều vì từ trước đến nay ngoài than đá thì đa phần sử dụng các loại củi ép từ mùn cưa từ gỗ với giá khá cao (khoảng 200 USD một tấn), nhiệt lượng lại không cao hơn củi trấu nhiều. Bởi thế, khi doanh nghiệp Việt Nam chào giá chỉ có 105 USD một tấn, củi trấu trở nên “sốt” với các nhà nhập khẩu.

Tại Tiền Giang, Công ty Hoàng Huynh còn chuyển hướng sản xuất than củi trấu (ba tấn củi cho một tấn than thành phẩm). Than trấu của công ty này đã được hệ thống Metro kiểm định và mua với giá 5.000 đồng một kg để bán tại hệ thống và xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan…

Ông Hoàng Huynh, Giám đốc Công ty Hoàng Huynh, cho biết: “Mỗi tháng công ty bán cho Metro 6.000 tấn củi, lời khoảng 30 triệu đồng. Tính chung cả củi và than mỗi tháng lời khoảng 100 triệu đồng”.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất hay chế biến các mặt hàng sử dụng công nghệ lò hơi có xu hướng chuyển sang sử dụng củi trấu để thay thế cho than đá hay các chất liệu khác ngày càng nhiều. Ngay cả những lò gốm phía Bắc cũng đã bắt đầu mua củi trấu từ Đồng bằng Sông Cửu Long để nung gốm.

Đại diện của Công ty Mai Hân nói: “Chưa tính đến xuất khẩu, riêng thị trường trong nước, công ty cung cấp khoảng 300 – 400 tấn một tháng. Hiện đơn đặt hàng lên tới vài nghìn tấn nên công ty phải nhờ người làm dân gia công cho công ty để kịp thời gian cung cấp hàng. Nếu hộ nông dân nào muốn làm củi trấu, công ty sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hướng dẫn quy trình sản xuất”.

Trấu được đưa vào hệ thống máy ép ở 300 độ C sẽ tự tiết ra chất lignin (một chất có sẵn trong thực vật) giúp gắn kết trấu. Một số cơ sở sản xuất hiện nay còn làm thêm vỏ đệm bằng tre, vừa tăng khả năng thẩm mỹ cho cây củi vừa giúp dễ cháy, tăng khả năng ra nhiệt.
Mới đây, trong hoạt động của Dự án “Gieo hạt giống thay đổi: Giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững” của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã tổ chức hội thảo quy trình ép củi trấu bằng máy.

Đây là nội dung quan trọng của dự án nhằm giúp người dân sử dụng hiệu quả và bền vững phụ phẩm lúa gạo, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường thông qua các công nghệ năng lượng tái tạo.

hoi-thao-quy-trinh-ep-cui-trau-bang-may

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất củi trấu tại cơ sở xay xát ở thôn Tả Phan, xã Duy Ninh.

Các đại biểu tham gia hội thảo quy trình ép củi trấu bằng máy sẽ được tham khảo những mô hình sản xuất mới về tái chế năng lượng từ những phế phẩm nông nghiệp giúp ích cho môi trường và kinh tế địa phương bao gồm: xây dựng mô hình máy cuốn rơm thực hiện tại Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh với công suất cuốn 200 tấn rơm/vụ; mô hình máy ép củi trấu tại cơ sở xay xát của bà Trần Thị Chuynh ở thôn Tả Phan, xã Duy Ninh với công suất 300 tấn củi trấu/năm; mô hình sấy lúa vỉ ngang dùng trấu tại HTX Thống Nhất, xã An Ninh, với công suất 150 tấn lúa/vụ; xây dựng 8 cửa hàng phân phối bếp khí hóa tại 8 xã tham gia dự án, với mục tiêu cung cấp 400 bếp khí hóa cho người dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã được ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phi (Bà Rịa -Vũng Tàu) giới thiệu về sản phẩm máy ép củi trấu do Công ty sản xuất. Đây là sản phẩm đạt giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IV (2010-2011) do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Trên cơ sở hoạt động của hợp phần Năng lượng tái tạo, Dự án đã hỗ trợ cơ sở xay xát của bà Trần Thị Chuynh ở thôn Tả Phan, xã Duy Ninh 2 máy ép củi trấu, với mức hỗ trợ 45% chi phí thiết bị, tương đương 65 triệu đồng. Theo hạch toán tài chính bước đầu, với nguồn trấu nguyên liệu từ nguồn xay xát của cơ sở ổn định từ 1-1,5 tấn/ngày, đồng thời có 3 cơ sở xay xát lớn trong xã cung cấp lượng trấu ổn định khoảng 1 tấn/ngày, cơ sở có thể sản xuất được gần 2 tấn củi trấu. Với giá bán gần 1.500 đồng/kg, trừ chi phí, cơ sở thu lãi 420.000 đồng/ngày, mỗi tháng lãi trên 10 triệu đồng.

Việc giới thiệu mô hình máy ép củi trấu giá rẻ tại địa phương sẽ giúp cho bà con nông dân thấy được hiệu quả của việc chuyển vỏ trấu thành nguồn năng lượng mới không chỉ nâng cao giá trị của sản xuất lúa gạo mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc xả thải tự do hoặc đốt trấu gây ra…